Ninh Thuận: Ban hành tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh

Nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý giúp các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh lựa chọn sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 sử dụng trong nhà trường theo Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Quyết định số 383/QĐ-UBND ngày 20/3/2020 về tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh, có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các tiêu chí quy định.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố 32 cuốn sách giáo khoa lớp 1 mới (Nguồn: Zing.vn)


Theo Quyết định này, có 02 tiêu chí để các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh lựa chọn sách giáo khoa đó là sự phù hợp với đặc điểm kinh tế- xã hội của địa phương và sự phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.

Cụ thể, đối với tiêu chí thứ nhất, yêu cầu đặt ra là nội dung sách giáo khoa (SGK) đảm bảo tính khoa học, hiện đại, thiết thực, dễ sử dụng. Các bài học trong SGK gần gũi, phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán, lịch sử, địa lý của địa phương. Cấu trúc các bài học trong SGK thuận lợi để các nhà trường và giáo viên lồng ghép, bổ sung những nội dung thích hợp, gắn với thực tiễn của địa phương. Nội dung các bài học trong SGK có tính phân hóa, đảm bảo tính linh hoạt và phù hợp theo nhóm đối tượng học sinh khác nhau. Hệ thống câu hỏi, bài tập và yêu cầu hoạt động có các mức độ khác nhau phù hợp các đối tượng học sinh và đặc điểm kinh tế, xã hội các vùng trong tỉnh. SGK được trình bày cân đối, hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình, có thẩm mĩ, tạo hứng thú cho học sinh. Tranh ảnh, bảng biểu, hình vẽ rõ ràng; kênh chữ, kiểu chữ, cỡ chữ phù hợp. Chất liệu in sách tốt, giá thành hợp lý phù hợp với mức sống của đa số người dân trong vùng.

Đối với tiêu chí thứ hai, yêu cầu về mức độ kiến thức trong SGK phù hợp với đối tượng học sinh; nội dung chú trọng đến việc rèn luyện cho học sinh năng lực tư duy độc lập, khả năng tự học, tự tìm tòi kiến thức; chú trọng bồi dưỡng phẩm chất, năng lực và giúp học sinh vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết vấn đề trong thực tiễn. Nội dung các bài học có phần tích hợp kiến thức liên môn; có các yêu cầu cụ thể, giúp giáo viên có thể đánh giá được mức độ cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh; phù hợp cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục và triển khai nội dung giáo dục địa phương. Các bài học/chủ đề trong SGK được thiết kế, trình bày với đa dạng các hoạt động, tạo điều kiện cho giáo viên linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức và phương pháp dạy học tích cực. SGK đảm bảo tính khả thi khi triển khai với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ cấu đội ngũ và các điều kiện dạy học khác của nhà trường; có các tài liệu bổ trợ, nguồn học liệu phong phú cho học sinh tham khảo. Nhà xuất bản có đội ngũ đáp ứng cho việc hỗ trợ tập huấn, triển khai theo yêu cầu của địa phương.

Như vậy, từ năm học 2020-2021, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ hướng dẫn các trường tiểu học trên toàn tỉnh căn cứ vào tiêu chí lựa chọn SGK nói trên để lựa chọn SGK lớp 1 để sử dụng giảng dạy tại đơn vị mình./.

 

Văn Tú