Hội cựu chiến binh huyện Bác Ái với phong trào thi đua “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” giai đoạn 2016 – 2021

Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, trong những năm qua, các cấp hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Bác ái đã tập trung phát động và thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” trong toàn thể hội viên. Ban Thường vụ Hội Cựu chiến binh huyện xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hội, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên hàng năm và thiết thực tham gia thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững ở địa phương.

            Anh Mai Văn Giác, chủ tịch Hội CCB huyện cho biết: với điều kiện tự nhiên, khí hậu khắc nghiệt cùng những khó khăn nhiều mặt của huyện nghèo như Bác Ái, tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên còn cao,  mục tiêu hàng đầu của Hội là phải làm thế nào để từng bước giảm mạnh hộ nghèo, phát huy tinh thần đồng đội, tạo thành phong trào thi đua hỗ trợ nhau giữa các hội viên cả về vật chất và tinh thần để ngày càng có nhiều hộ gia đình hội viên làm kinh tế giỏi, chỉ có như vậy hội mới có điều kiện để tham gia thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

 Cán bộ Hội CCB huyện và xã thăm hộ Gia đình hội viên được nhận nuôi bò rẽ có hiệu quả tại xã Phước Thắng.

Trong hội viên, mỗi người một hoàn cảnh, hội viên lớn tuổi chiếm tỷ lệ cao, đa số gia đình hội viên đời sống còn rất khó khăn. Hàng năm,  hội đã tổ chức phát động, ký kết giao ước thi đua giữa huyện Hội và các Hội cơ sở trực thuộc, tuyên truyền, vận động hộ gia đình hội viên đăng ký phấn đấu thoát nghèo và giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi. Phong trào đã được sự đồng thuận cao, hưởng ứng tích cực trong toàn thể hội viên trong huyện, hàng năm có 900/951 hộ hội viên Cựu chiến binh đăng ký tham gia. Không chỉ dừng ở phát động, các cấp hội đã tạo điều kiện cho hội viên tham quan, học tập các mô hình thoát nghèo, làm kinh tế giỏi ở ngay tại địa phương, tổ chức các buổi sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm làm ăn, tạo điều kiện cho hội viên vay vốn từ nguồi vốn ủy thác của Ngân hàng CSXH huyện, tư vấn, động viên, hướng dẫn cách đầu tư, làm ăn phù hợp hoàn cảnh gia đình  từng hội viên, định kỳ tiến hành kiểm tra, nắm tình hình, rút kinh nghiệm. Với tinh thần như những ngày còn quân ngũ, chỉ biết có tiến công, khó khăn không nản, gắn bó, động viên khích lệ lẫn nhau… phong trào đã thật sự có sức thu hút,  lan tỏa trong hội viên toàn huyện . Từ phong trào này, nhiều gia đình hội viên đã thoát nghèo và đã trở thành hộ khá ở địa phương. Một lần nữa hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ lại tỏa sáng, là tấm gương cho bà con học tập làm theo.

            Anh Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch HCCB huyện chia sẻ: thời điểm năm 2016, toàn huyện có 40 % gia đình hội viên còn trong danh sách hộ nghèo nhưng thật sự có tới 65 % gia đình hội viên còn ở mức sống khó khăn. Khi đó, thu nhập của gia đình hội viên chủ yếu dựa vào cây bắp và con bò với kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, hội viên chưa mạnh dạn vay vốn làm ăn, nhiều hộ thu nhập không đủ ăn. Mặc dù huyện hội phát động phong trào thi đua làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo  nhưng tỷ lệ gia đình hội viên làm kinh tế giỏi chỉ đạt 22,60% (215/951 hộ), nhưng giỏi ở thời điểm đó cũng chỉ là thoát được cái đói, không còn nằm trong danh sách hộ nghèo.

Từ thực tế đó, qua rút kinh nghiệm của từng năm,  Ban Thường vụ huyện hội đã bàn, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực,  đặc biệt là tạo điều kiện cho Hội viên tiếp cận vay từ nguồn vốn ủy thác của NHCSXH huyện, năm 2016 tổng dư nợ vốn vay có 9,16 tỷ/287 hộ vay, nhưng qua công tác tuyên truyến, vận động, tư vấn, hướng dẫn,  hội viên đã mạnh dạn vay vốn đầu tu vào sản xuất, chăn nuôi,  đến nay tổng dư nợ do Hội Cựu chiến binh quản lý trên 28 tỷ/ 774 lượt hộ vay với 18 tổ Tiết kiệm và vay vốn, có  8/9 Hội cơ sở nhận ủy thác. Từ nguồn vốn vay, hội viên chủ yếu đầu tư nuôi bò sinh sản, hiện  95% hộ hội viên Cựu chiến binh đều có bò nuôi, với tổng số bò gần 3.000 con (TB 3 con/hộ), ngoài ra nhiều hộ còn nuôi thêm heo đen, gà thả vườn, cây ăn trái các loại.. Nhiều gia đình hội viên đã tập trung chăn nuôi bò sinh sản với qui mô gia trại và phát triển mạnh kinh tế vườn hộ kết hợp trồng trọt và chăn nuôi, nếu như năm 2016 toàn huyện có 06 gia trại của hội viên thu nhập từ 30 – 35 triệu đồng/hộ/năm; đến nay đã nâng lên 17 gia trại, thu nhập sau khi trừ chi phí bình quân từ 50 – 55 triệu đồng/1 hộ/1 năm; cá biệt có một số hộ thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Cán bộ Hội CCB huyện và xã thăm gia đình hội viên Chăn nuôi giỏi xã Phước Đại.

Từ kết quả đó, nhiều hộ gia đình hội viên đã thoát nghèo bền vững; tính đến nay số hộ khá đã nâng lên 345/951 hộ đạt 36,27%. Phát huy tinh thần đồng đội,  các hộ hội viên còn giúp nhau qua cho nuôi bò rẽ, ăn chia theo đầu con với hội viên có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế với tổng số 84 con bò, trị giá 1,5 tỷ đồng/60 hộ hội viên nhận nuôi (tại các xã Phước Hòa, Phước Chính, Phước Đại, Phước Thắng….) đến nay đã tăng lên trên 100 con bò.  Nhờ có tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa hội viên cùng các chính sách hỗ trợ của nhà nước và đặc biệt là sự phấn đấu của chính hộ nghèo, tỷ lệ hộ hội viên làm kinh tế giỏi tăng lên 45%, hộ nghèo trong hội viên giảm còn 68/951 hộ (7,15%), hộ cận nghèo còn 24/951 hộ (2,5%).  Tỷ lệ hộ kinh tế ở mức khá trong hội viên  là 652/951 hộ (chiếm 65,72%). Đời sống vật chất, tinh thần của hội viên đã nâng lên rõ rệt, hiện chỉ còn 20 hộ hội viên là ở nhà tạm.

Không chỉ giỏi về làm kinh tế, đi đầu trong thoát nghèo bền vững,  hội viên CCB còn luôn gương mẫu đi đầu và tích cực tham gia các phong trào ở địa phương,  như: 12 Tổ an ninh CCB cấp cơ sở; 35 Tổ CCB tự quản về ANTT ở địa bàn thôn/215 hội viên; Tổ CCB tự quản về ATGT; mô hình "thắp sáng đường quê" của các Chi hội Châu Đắc, Ma Hoa thuộc Hội Cựu chiến binh xã Phước Đại; thôn Suối Khô thuộc Hội Cựu chiến binh xã Phước Chính; mô hình cá nhân giúp nhau "chăn nuôi trâu, bò" rẽ như hội viên: Katơr Thơm thuộc Hội Cựu chiến binh xã Phước Hòa; Chamaléa Phôi thuộc Cựu chiến binh Phước Chính; Katơr Đưa thuộc Hội Cựu chiến binh xã Phước Thắng; mô hình "vườn, ao, chuồng" của hội viên Mai Văn Giác thuộc Hội Cựu chiến binh xã Phước Thắng; mô hình "trồng bưởi da xanh, trồng chuối" của hội viên Pinăng Thiêng thuộc Hội Cựu chiến binh xã Phước Bình; tham gia xây dựng mô hình 02 thôn Văn hóa kiểu mẫu thuộc Hội Cựu chiến binh xã Phước Tân; mô hình "trồng lúa nước, trồng mì" của tập thể Chi hội thôn Ma Ty thuộc Hội Cựu chiến binh xã Phước Thắng, hàng năm xây dựng quỹ Hội từ 20 – 30 triệu đồng; mô hình "trồng mít, dừa, chuối" của hội viên Đỗ Ngọc Tháp thuộc Hội Cựu chiến binh xã Phước Đại; mô hình "trồng nấm" của con em Cựu chiến binh xã Phước Chính; ngoài ra, còn có 12 hội viên Cựu chiến binh hiến trên 3.000 m2 đất để làm đường bê tông nông thôn và làm kênh mương nội đồng.

Nhằm động viên, thúc đẩy phong trào phấn đấu thoát nghèo bền vững, 5 năm qua các cấp hội trong huyện đã bình chọn, xem xét đế nghị các cấp khen thưởng cho 11 tập thể và 18 cá nhân xuất sắc trong phong trào "Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế gỏi", có 13/13 Hội cơ sở được đánh giá là Hội đạt trong sạch vững mạnh, có 97% Chi hội đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có 98% gia đình Cựu chiến binh đạt gia đình văn hóa.

Những kết qủa đã đạt được trong phong trào thi đua giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi của Hội cựu chiến binh các cấp trong huyện những năm qua là minh chứng sinh động nhất cho nghĩa tình đồng đội, phát huy phẩm chất của anh “Bộ đội Cụ Hồ) trong thời bình, đóng góp tích cực cho việc thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững ở địa phương./.

 

 

Trần Hữu Đức