Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Huyện Bác Ái phối hợp triển khai thực hiện tốt văn bản Liên tịch, chỉ đạo có hiệu quả về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ.

Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác và Quyết định số 131/2002/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ngân hàng CSXH. Từ khi Ngân hàng CSXH huyện Bác Ái được thành lập và đi vào hoạt động đến nay việc thực hiện theo văn bản Liên tịch cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác giữa Ngân hàng CSXH huyện và Hội Phụ nữ huyện đã đạt kết quả đáng khích lệ.

Tính đến 30/6/2022 tổng dư nợ do Hội phụ nữ huyện nhận ủy thác là 80.798 triệu đồng, thông qua 42 Tổ TK&VV với 1.927 hộ vay vốn/14 chương trình tín dụng. Qua nguồn vốn vay, đã tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, xây nhà ở cho các hộ nghèo theo quyết định 33, xây công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, giảm được dịch bệnh ở nông thôn, vay vốn HSSV cho con em đi học tại các trường Đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, góp phần nâng cao dân trí. Vay vốn giải quyết việc làm để thu hút lao động chưa có việc làm, cho vay đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài.

Trên cơ sở xác định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ trong thực hiện văn bản Liên tịch giữa Ngân hàng CSXH với Hội Phụ nữ huyện. Hội Phụ nữ huyện đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH, chính quyền cơ sở tập trung triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung công việc, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động mang lại kết quả tích cực trong từng nội dung công việc, đồng thời thông qua đó một mặt vừa bảo đảm cùng với Ngân hàng CSXH đưa đồng vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng một cách công khai dân chủ, tạo được lòng tin trong nhân dân, phát huy hiệu quả trong sử dụng vốn vay. Mặt khác là điều kiện giúp tập hợp, củng cố, gắn kết, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức hội, nhất là ở cơ sở.

Để đạt được các kết quả trên thì trong quá trình thực hiện cần phải tập trung thực hiện các nội dung sau:

- Tiến hành tuyên truyền và phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, chỉ đạo tổ chức họp các đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn trong đó kể cả những người không thuộc hội viên của Hội Phụ nữ. Việc làm trên được hội viên và quần chúng đánh giá cao về sự quan tâm của tổ chức hội Phụ nữ.

- Chỉ đạo, hướng dẫn củng cố và thành lập các tổ TK&VV theo thôn. Khi củng cổ và thành lập tổ TK&VV đã tiến hành bầu ban quản lý tổ, xây dựng qui chế hoạt động, bình xét công khai các hộ vay vốn có nhu cầu và đủ điêu kiện vay vốn dựa vào danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn NHCSXH, trình UBND xã xác nhận để ngân hàng cho vay, qua đó tất cả những hộ gia đình có nhu cầu vay vốn, có phương án sản xuất chăn nuôi có hiệu quả đều được vay vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi, buôn bán, làm nhà ở, HSSV đi học...qua đó tăng thu nhập, cải thiện đời sống, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội.

- Hội Phụ nữ huyện, Hội Phụ nữ xã thường xuyên phối hợp với Ban quản lý tổ TK&VV và cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay của tổ viên, đôn đốc hộ vay trả lãi hàng tháng, tham gia gửi tiền tiết kiệm, trả nợ gốc khi đến hạn theo định kỳ đã thỏa thuận, thông báo kịp thời cho Ngân hàng CSXH những trường hợp sử dụng vốn vay bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, các hộ vay sử dụng vốn vay sai mục đích để xử lý theo quy định. Qua đó làm cho các hộ vay có ý thức trong việc sử dụng đồng vốn vay sao cho có hiệu quả, trả lãi, gốc đúng thời hạn, đồng thời giảm bớt những khó khăn khi bị rủi ro; tạo thêm thu nhập phục vụ cho hoạt động cấp hội trong việc phục vụ các phòng trào của hội.

- Đôn đốc và giám sát Ban quản lý Tổ TK&VV thực hiện tốt nội dung hợp đồng đã ký kết với NHCSXH; tiến hành kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động của các Tổ TK&VV và tổ chức hội cơ sở thuộc phạm vi quản lý; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH, chính quyền địa phương xử lý các trường hợp nợ chây ỳ, lãi tồn đọng và hướng dẫn hộ vay lập hồ sơ xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan khi phát sinh. Hàng năm phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện tiến hành tập huấn nghiệp vụ ủy thác cho cán bộ hội, Ban quản lý Tổ TK&VV; phối hợp với các cơ quan chức năng phổ biến, tuyên truyền chủ trương chính sách có liên quan đến chính sách tín dụng ưu đãi và tập huấn công tác khuyến nông, khuyên lâm... để giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả.

Nhìn chung thông qua hoạt động nhận ủy thác, trách nhiệm và uy tín của các cấp Hội được nâng lên, chị em hội viên tin cậy vào tổ chức Hội và cũng chính vì đó việc phát động thực hiện các phong trào thuận lợi hơn, thu hút ngày càng nhiều phụ nữ đến với hội, góp sức nâng cao vai trò vị thế của tổ chức Hội trong thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Từ thực tế hoạt động công tác nhận ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của Hội phụ nữ huyện Bác Ái trong 20 năm qua. Hội phụ nữ huyện rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất: Tranh thủ được sự quan tâm lãnh đạo, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, tạo sự gắn kết chặt chẽ với NHCSXH, cơ quan chuyên môn có liên quan trên tinh thần tâm huyết với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Thứ hai: Xem chất lượng tín dụng là vấn đề quan trọng hàng đầu, là nội dung mấu chốt giải quyết tốt công tác xóa đói giảm nghèo bằng việc sử dụng vốn có hiệu quả, đúng mục đích.

Thứ ba: Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vân động và tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên nghèo thiếu vốn, thiếu kiến thức làm ăn, tạo động lực cho họ tự thân vận động vươn lên, không trông chờ ỷ lại, đề cao ý thức trả nợ cho Ngân hàng CSXH.

Thứ tư: Cần phải thường xuyên củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV và coi đây là khâu quan trọng nhất để nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng ủy thác.

Thứ năm: Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát trong công tác của tổ chức hội cơ sở nhận ủy thác và hộ vay vốn để kịp thời biểu dương những cá nhân làm tốt, chấn chỉnh kịp thời những sai sót và đề ra những biện pháp khắc phục khi có trường hợp phát sinh tiêu cực.

Hồng Quân

Ngân hàng chính sách Bác Ái