PHƯỚC TRUNG: PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH CHĂN NUÔI DÊ, CỪU SINH SẢN
Thời gian qua, cùng với mô hình phát triển chăn nuôi bò, người dân xã Phước Trung (Bác Ái) còn phát triển mô hình chăn nuôi dê, cừu góp phần cải thiện thu nhập và thực hiện chuyển đổi cơ cấu vật nuôi trên địa bàn. Nhờ đó giúp người dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Nhận thấy điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi dê sinh sản, tháng 7/2023, gia đình ông Katơr Hoi ở thôn Rã Giữa, xã Phước Trung được Hội Nông dân xã tạo điều kiện cho vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân để thực hiện mô hình chăn nuôi, từ nguồn vốn vay và nguồn vốn tích lũy của gia đình, ông Hoi mua 6 con dê sinh sản về nuôi. Nhờ nắm vững kỹ thuật chăm sóc, đến nay gia đình ông đã gầy dựng đàn dê lên 20 con. Ông Hoi, cho biết: Nhờ nguồn vốn của Nhà nước mà gia đình đã mạnh dạn trong đầu tư chăn nuôi. Dê nhanh đẻ, một năm 2 lứa, mỗi lứa từ 1-2 con. Tôi nuôi dê đực khoảng 15-20kg rồi bán lấy vốn, thương lái mua tại chỗ với giá từ 100.000-110.000 đồng/kg nên mỗi con dê đực khi xuất bán cũng có giá hơn 1,5 triệu đồng, dê cái tiếp tục nuôi để gầy đàn. Từ số tiền bán dê, gia đình tích lũy đầu tư mua bò. Nhờ đó đến nay đàn bò, dê của gia đình có 28 con, cuộc sống được cải thiện hơn trước rất nhiều.
Cũng như gia đình ông Hoi, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và vốn tích lũy của gia đình, năm 2014, chị Lê Thị Kim Sang ở thôn Rã Giữa quyết định mua 15 con dê cái sinh sản về nuôi; đồng thời làm chuồng trại, đào ao tích nước và trồng cỏ voi bổ sung thức ăn tươi cho đàn gia súc trong mùa khô, nhờ đó giúp đàn dê tăng trưởng nhanh và sinh sản ổn định.
Hiện tổng đàn của gia đình chị đã phát triển được trên 100 con, mỗi năm xuất bán dê thịt từ 70-80 con, thu nhập trên 100 triệu đồng. Chị Sang, chia sẻ: Được xã quan tâm tạo điều kiện cho vay vốn để phát triển chăn nuôi, đồng thời được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cũng như phòng bệnh cho đàn gia súc, nhờ đó tôi đã làm chủ được kỹ thuật trong chăn nuôi, giúp kinh tế gia đình ngày càng phát triển.
Phước Trung là xã miền núi, diện tích đất rừng chiếm khoảng 80%. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập, từ năm 2015 đến nay, UBND xã đã vận động trên 150 hộ chuyển sang mô hình chăn nuôi dê, cừu sinh sản. Qua 9 năm triển khai, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Đến nay, trên địa bàn xã đã phát triển đàn gia súc gần 23.000 con; trong đó, đàn dê, cừu trên 10.800 con.
Đồng chí Đạo Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Trung cho biết: Trong những năm qua, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để giúp các hộ gia đình nâng cao thu nhập, địa phương cũng được hưởng nhiều chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ để giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế, nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả được nhân rộng, nhờ đó giúp tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm 6% trong năm 2024. Thời gian tới, địa phương tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn bà con áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, cùng với đó là thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ thú y và nông dân trong cách phòng, điều trị bệnh trên đàn gia súc. Đồng thời chú trọng tạo điều kiện bà con nguồn vốn triển khai các mô hình có hiệu quả.
Trung Tuấn
Trung tâm Văn hóa, Thể thao và truyền Thanh