Để góp phần phát huy và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Raglai, Cộng đồng thôn Ma Nai, xã Phước Thành đã tổ chức tái hiện nghi lễ truyền thống Lễ tạ ơn (Lễ cúng Paranoq) của dân tộc Raglai ở địa bàn xã Phước Thành.
Lễ Tạ ơn mẹ cha của người Raglai (chế độ mẫu hệ), là một trong những nghi lễ truyền thống mang ý nghĩa cả về mặt ý thức lẫn tâm linh, người Raglai rất coi trọng gia đình và hôn nhân, điều đó được thể hiện rất rõ qua những luật tục được duy trì cho đến ngày nay.
Theo truyền thống của người dân tộc Raglai, khi đứa trẻ được sinh ra, được mẹ cha nuôi nấng, dạy dỗ, thấu hiểu được phong tục tập quán và áp dụng, thực hành được các lễ nghi của người dân tộc Raglai. Để ghi nhận công lao to lớn của mẹ, cha. Các con phải tổ chức Lễ tạ ơn (Lễ cúng Paranoq) để đền đáp công lao của mẹ cha trước sự chứng kiến của mọi người.
Lễ tạ ơn mẹ cha xuất phát từ quan niệm của người Raglai cho rằng công lao của mẹ cha rất lớn. Mẹ cha sinh con ra, nuôi lớn trưởng thành, dạy con biết phép tắc, phong tục, biết những điều cấm kỵ, biết kính trọng mọi người. Do vậy, khi trưởng thành, con cái phải biết ơn sinh thành, nuôi dưỡng và dạy dỗ, phải có trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng và tùy điều kiện, để tổ chức Lễ Tạ ơn cho phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình (có nhiều ý kiến khác nhau giữa Lễ tạ ơn và Lễ báo hiếu, nhưng chung quy vẫn cùng một giá trị đó là truyền thống tốt đẹp của người dân tộc Raglai).
Lễ vật trong Lễ tạ ơn gồm có quần áo, heo, gà, rượu cần, rượu gạo, trầu cau, thuốc lá và một số vật dụng thường ngày khác.
Nghi lễ truyền thống gồm có các phần như: Phần báo tin; chuẩn bị mâm cỗ; phần lễ và kết thúc lễ. Trong đó, mỗi phần thường chia ra thành nhiều chi tiết nhỏ, gồm nhiều việc diễn ra theo trình tự; mỗi việc đều có cách thức phần lễ, mâm lễ đều được chuẩn bị khác nhau thể hiện sự cung kính, nền nếp, gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, dòng tộc hai bên họ trai, họ gái và với già làng.
Kết thúc phần lễ, mẹ cha hai họ và già làng cầu khấn cho cặp vợ chồng 01 cặp gà để mong cầu may mạnh giỏi, làm ăn phát đạt, vợ chồng hạnh phúc trăm năm. Hai vợ chồng cũng nói lời cảm ơn đến mẹ cha cùng hai họ và già làng, mọi người nâng chén rượu cần, ly rượu trắng; họ hàng, bà con đánh mã la, uống rượu cần, cất lên các bài ca say đắm.
Thông qua Lễ tạ ơn, đã tạo sự gắn kết rõ nét trong cộng đồng Ma Nai, góp phần phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Raglai ở Phước Thành.